Những
ngày tết, tại sân trung tâm khu dân cư, từng đoàn người ở xóm tụ họp về
tham gia các trò chơi dân gian. Tiếng trống tùng tùng, tiếng cười nói,
vỗ tay cổ vũ người chơi đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, kéo co, nhảy bao
bố…. tạo nên không khí sôi nổi, rộn ràng ngày xuân mới.
Giữa
sân trung tâm, 2 con dê trong vòng lưới quây tròn, xung quanh là chật
kín người xem trò bịt mắt bắt dê. Mỗi đợt chơi có 2 hoặc 3 người được
bịt mắt bằng một dải băng đỏ. Trong tiếng hò reo, cổ vũ của dân làng, ai
bắt được dê trước sẽ giành phần thắng. Anh Nguyễn Văn Linh - sinh viên
về quê nghỉ tết phấn khởi cho biết: “Được tham gia các trò chơi dân
gian, tôi cảm nhận được tình cảm quê hương thật gần gũi, sum vầy và ấm
cúng, đúng là tết của tình thương”.
Mùa
xuân này, bà Mạc Thị Toan đã gần 60 tuổi nhưng tiếng trống hội vẫn
khiến bà háo hức như xưa. Mặc bộ áo dài truyền thống, đến sân vận động
trung tâm tham gia các hoạt động văn hoá, bà ấn tượng nhất là trò chơi
đánh đu. Những nhịp đu đơn, đu đôi dưới nắng xuân như tinh thần dẻo dai
của người dân về tình yêu lao động, tình yêu quê hương đất nước, kỳ vọng
một năm mới mưa thuận gió hoà. Với bà, đánh đu đã trở thành ký ức đẹp
đẽ thanh xuân. “Dù tết nay có khác tết xưa, nhưng trò chơi đu vẫn luôn
mang đến hương vị đặc trưng ngày tết”. Bà Toan vui vẻ cho biết.
Để
có được những cây đu ngày tết, những trò chơi phục vụ bà con trong khu
dân cư là những thành viên nhiệt tình, không quản vất vả những ngày nghỉ
tết. Từ trước đó, các thành viên đã tự tập hợp, thành lập nhóm zalo để
liên lạc, trao đổi thông tin, cùng nhau tổ chức. Ông Nguyễn Văn Bình, 70
tuổi một đảng viên cũng là thành viên tích cực ở khu dân cư khi vận
động, tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hoá văn nghệ với ánh
mắt vui tươi xen lẫn niềm tự hào cho biết: “Thời gian đã làm thay đổi
nhiều điều, phấn khởi là những hoạt động văn hóa cộng đồng, những trò
chơi dân gian vẫn được các cháu duy trì đến ngày nay. Qua những hoạt
động này mới thấy được tình cảm bà con làng xóm gắn kết. Tết là để vui,
để khoẻ, để mọi người hiểu nhau hơn rồi bảo nhau làm ăn, xây dựng cuộc
sống".
Dưới
nắng xuân hồng, chị Nguyễn Thị Ngân vừa điều hành cho người chơi nhảy
bao bố theo đúng luật chơi vừa hài hước nói: “Dù tên gọi là nhảy bao bố,
nhưng mọi người có thể lăn bao bố hoặc bò bao bố đều được, cứ về đích
sớm là đạt giải”. Sau lời động viên ấy, cả người chơi và người xem đều
cười râm ran, phấn khích để bước vào cuộc chơi. "Ngày tết, với nhiều bạn
trẻ lựa chọn đi chơi ở các nơi thì tôi lại lựa chọn ở khu dân cư, cùng
với các bác, các chú, các anh chị tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ,
trò chơi dân gian. Với tôi, tình cảm xóm làng, quê hương vẫn là thiêng
liêng, sum vầy nhất. Tôi cũng đã kết nối, tập hợp được đội văn nghệ là
các bạn trẻ ở khu dân cư, dự định nhóm sẽ duy trì, luyện tập, để sang
năm sẽ biểu diễn vào dịp tết. Không khí ngày tết ở quê hương sẽ theo năm
tháng mà vùn đắp tình cảm cho những bạn trẻ tình yêu quê hương, đất
nước, tự hào với văn hoá truyền thống". Chị Ngân cho biết thêm.
Ông
Nguyễn Đức Lợi, Phó bí thư Chi bộ, trưởng Ban công tác mặt trận khu dân
cư cũng là "người dẫn chương trình" xuyên suốt các trò chơi dân gian
cho biết: “Xuất phát từ mong muốn gìn giữ những nét văn hoá của quê
hương, chúng tôi đã lập nhóm nòng cốt với hơn chục thành viên tổ chức
các hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian để bà con vui chơi,
giải trí trong những ngày tết. Điều đáng mừng là chương trình nhận được
sự hưởng ứng cao của người dân. Có những cụ gần 80 tuổi, hay bạn thanh
niên đi học, đi làm xa, những em học sinh nhỏ tuổi đều tham gia nhiệt
tình. Thù lao của những người làm chương trình như chúng tôi lớn lắm, đó
là tình cảm và sự quý mến, ủng hộ của dân làng chúng tôi”.
Tết
đến xuân về, trong cuộc sống bộn bề, hối hả, có những thứ đã thay đổi.
Thế nhưng, ở nhiều nơi, không gian văn hoá cộng đồng trong tết xưa vẫn
được lưu giữ và phát huy. Đó là tâm huyết và công sức của những con
người thầm lặng chuẩn bị; cũng là sự nhiệt tình hưởng ứng của người dân,
để tạo nên một kỳ tết thật ý nghĩa, thật gần gũi với biết bao thế hệ./.
Thu Xuân