Chiều 8.7, sau 4 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 3 khóa XIII đã bế mạc, sớm hơn chương trình dự kiến 1 ngày.
Tiếp tục vừa phát triển kinh tế, vừa phòng dịch
Trong phát biểu bế mạc hội nghị,
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết về kế hoạch
phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, hội nghị đã thống nhất đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH,
tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020, và tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm 2021; đồng thời cho ý kiến chỉ đạo hoàn thiện dự thảo Kế hoạch phát triển KT-XH, tài chính quốc gia, và đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ nhất dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 7.
Giải trình về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026
Ngày 8.7, trong phiên bế mạc, T.Ư đã nghe Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai thay mặt Bộ Chính trị
đọc báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Chính trị về các vấn đề T.Ư thảo luận liên quan cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước và phương án giới thiệu bổ sung nhân sự đảm nhiệm một số chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau đó, T.Ư đã ghi phiếu giới thiệu nhân sự các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026; bầu bổ sung 2 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa XIII.
Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong 6 tháng đầu năm, chúng ta đã tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, T.Ư cũng lưu ý trong 6 tháng đầu năm vừa qua, KT-XH vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, đất nước vẫn đang đứng trước không ít những khó khăn, thách thức mới và lớn, thậm chí gay gắt hơn.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, tình hình dịch bệnh
Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, nguy hiểm hơn trước, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thị trường tài chính - tiền tệ, nhất là thị trường chứng khoán,
thị trường bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng, địa bàn và những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh gặp nhiều khó khăn...
Từ đó, T.Ư yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của T.Ư để hoàn thiện thêm một bước các dự thảo kế hoạch trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình này, cần tiếp tục bám sát các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các chủ trương chính sách, biện pháp mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra; đồng thời có giải pháp mang tính đột phá, khả thi cao và sát hợp với thực tế tình hình: vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH vừa phải chủ động, tích cực phòng, chống dịch bệnh có thể còn tiếp tục kéo dài, thậm chí nguy hiểm, lan rộng nhanh hơn.
Trong kế hoạch phát triển KT-XH, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết T.Ư yêu cầu tập trung nghiên cứu, đề xuất và triển khai xử lý nhanh, dứt điểm các vướng mắc, tồn tại, điểm nghẽn trong quá trình phát triển; đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do đại dịch
Covid-19 gây ra.
Đối với kế hoạch tài chính quốc gia, T.Ư nhấn mạnh cần “đúng đắn, khoa học và có cơ sở thực tế” trong bối cảnh đại dịch
Covid-19 đang tác động rất tiêu cực. Đồng thời yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; chi ngân sách nhà nước trong khả năng của nền kinh tế và vay trong khả năng trả nợ, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết cần nhìn thẳng vào sự thật nhằm tìm cho được các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém tồn đọng từ lâu để đề ra các chính sách, biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, tạo ra sự chuyển biến tích cực, rõ nét trong việc khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, giải ngân chậm, nhiều dự án, công trình chậm tiến độ, thua lỗ, thất thoát, lãng phí...
“Kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xóa bỏ cơ chế xin cho; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công”, Tổng bí thư nhấn mạnh và đề nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đồng thời linh hoạt để tháo gỡ khó khăn về thể chế, thủ tục, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng công trình.